April 1, 2018
Share on Facebook Tweet on Twitter
Báo đảng Việt Nam mô tả có “đại diện chính phủ Pháp” đón tiếp Tổng bí thư Trọng ở sân bay, nhưng có lẽ quá khó để nhận ra người phụ nữ lớn tuổi trong bức ảnh trên là ai trong “chính phủ Pháp”. Ảnh: VOV
https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2018/04/image-3-1.png
Thiền Lâm
Việt Nam – Cali Today News – Khác hẳn với khoảng thời gian đầu năm 2017, quý 1 năm 2018 đã cấp tập diễn ra những chuyến công du đối ngoại của giới chóp bu Việt Nam. Việc so sánh những kết quả công du cho thấy điều gì?
Mở đầu tháng Ba là chuyến công du Ấn Độ của Trần Đại Quang – Chủ tịch nước. Chuyến đi này đã được chào đón bằng nghi lễ bắn đại bác và kết quả là quan hệ đối tác chiến lược Việt – Ấn được xác lập.
Có một sự may mắn nào đó vẫn lặng lẽ “phù hộ” ông Trần Đại Quang, dù vào giữa năm 2017 ông Quang đã được cho là “bệnh nặng” đến mức suýt chút nữa phải từ giã chính trường, thậm chí còn bị một cây viết của bên đảng đòi phải bàn giao vai trò chủ tịch nước cho người khác. Nhưng chỉ 5 tháng sau “tai nạn”, Trần Đại Quang đã ghi điểm chính trị đáng kể trong vai trò là người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế APEC được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
Sau chuyến công du Ấn Độ của Trần Đại Quang là chuyến công du Úc của Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng. Mặc dù không phải là người có chuyên môn về quân sự, ông Phúc đã mang về cho chính thể Việt Nam quan hệ đối tác chiến lược thứ 12 với người Úc, lập kỷ lục “một tá đối tác chiến lược” cho Việt Nam. Có thể xem chuyến đi này của Thủ tướng Phúc là đạt kết quả rõ hơn hẳn so với “thành công ngoài mong đợi” nhưng thực ra rất mờ nhạt trong chuyến công du Mỹ vào tháng Năm năm 2017 cũng của ông Phúc – không có Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, không có “kinh tế thị trường” cho Việt Nam, thậm chí còn bị Tổng thống Trump đe dọa chế tài cán cân mậu dịch Mỹ – Việt.
Đến cuối tháng Ba năm 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Tọng “xuất tướng”. Điểm đến là Pháp – một quốc gia nằm trong top đầu châu Âu về kinh tế, chính trị và quân sự. Tuy nhiên, chuyến đi có vẻ vội vã này đã “không có gì” – theo cách bình luận của đài RFA. Không được chào đón bằng đại bác, ông Trọng cũng không nhận được lời cam kết cụ thể nào về hành dộng của Thủ tướng Macron về “thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), cho dù ông Trọng đã “đạo diễn” cho hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mua 24 máy bay Airbus của Pháp – một thỏa thuận thương mại mà cũng giống như vụ Việt Nam đặt mua 100 máy bay Airbus của Pháp trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nước này vào năm 2013 – có trời mới biết có được thực hiện hay chỉ là “thỏa thuận khống”.
Trong khi đó, mối quan tâm của báo chí Pháp và báo chí quốc tế dành cho chuyến thăm Pháp của Nguyễn Phú Trọng lại ít ỏi hơn khá nếu so với những bài báo và bản tin về chuyến đi Ấn Độ của Trần Đại Quang và đi Úc của Nguyễn Xuân Phúc. Ít đến nỗi mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải mua nguyên trang quảng cáo của tờ báo Pháp Le Monde để đăng bài viết của ông Trọng, với giá lên đến 4 -5 tỷ đồng mà ai cũng hiểu số tiền đó được lấy từ ngân sách nhà nước – tức tiền đóng thuế của dân.
Rõ là sau hai “thành công” đối ngoại của Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng rất muốn “nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế” và cả “nâng cao hình ảnh và uy tín lãnh tụ” bằng một thành công đối ngoại ở Pháp.
Câu chuyện “tam quốc” trên lại có nét gì đó khá tương đồng với một câu chuyện khác xảy ra vào tháng 11/2017.
Chỉ vài ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APCE) kết thúc tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 và được hệ thống báo đảng tự ca ngợi hết lời, Nhân Dân – “cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam” – đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm”.
Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia “quyền lực” rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của “tứ trụ” trong việc tiếp “Trăm” (phiên sang tiếng Anh là Trump).
Sự kỳ quặc của tựa đề trên cũng bởi đây là một tựa đề hiếm có, cứ như thể nếu không ghi rõ ra sự phân công trách nhiệm của từng thành viên trong Bộ Chính trị thì người đọc và dư luận quần chúng nhân dân sẽ không thể biết được ai là người có vai trò ra sao, nhất là ai mới là người có vai trò chủ chốt trong việc tiếp “Trăm”.
Cũng tờ Nhân Dân, sau khi đăng tin về tiếp “Trăm”, đã đăng một bản tin khác với tựa đề ít kỳ quặc hơn: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Nhân Dân cũng được xem là “báo ruột” của Tổng bí thư Trọng.
Chỉ trong nửa năm, người đứng đầu đảng CSVN đã phải tiếp nhận hai lần liên tiếp lu mờ về “vị thế đối ngoại”. Bộ phim “tam quốc” ở Việt Nam vẫn tiếp diễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét