Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Nhiều người dân tiếp tục phản đối Formosa ở Vinh



Xuất bản 15 thg 8, 2016
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViethttp://www.youtube.com/VOATiengVietVideohttp://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Nhiều người dân ở Vinh, tỉnh Nghệ An, đã tập trung và tuần hành trong sáng 15/8 để tiếp tục yêu cầu đóng cửa nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh. Đây là lần tuần hành lớn thứ hai kể từ khi xảy ra sự kiện cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền trung. Lần thứ nhất vào ngày 7/8/2016.

Cách đây hơn 4 tháng, nhà máy của tập đoàn đến từ Đài Loan đã xả chất thải độc ra biển, gây thảm họa cá chết hàng loạt ở ven biển miền trung.

Cuộc biểu tình hôm 15/8 là một phần trong ngày lễ Quan Thầy, hay còn gọi là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ở giáo phận Vinh. Anh Antôn Chu Mạnh Sơn, một giáo dân tham gia biểu tình cho VOA biết số người có mặt tại sự kiện lớn này lên đến 30.000 người đến từ 6 giáo hạt trong giáo phận và một số giáo hạt lân cận. Tuy nhiên, VOA không có điều kiện để kiểm chứng con số vừa kể.

Giáo dân Chu Mạnh Sơn cũng là một nhà hoạt động từng bị bỏ tù vì tuyên truyền chống nhà nước. Anh nói nhiều người đã đi bộ 3 kilomet từ thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, về Nhà thờ Chính tòa xã Đoài, giáo đô của giáo phận.

Anh cho biết thêm chi tiết:

“Khi đi trên đường thì tất cả người dân đã cầm các banner, biểu ngữ ‘Yêu cầu nhà cầm quyền khởi tố Formosa’, ‘Yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam’, cũng như là ‘Hủy hoại môi trường là hủy diệt sự sống’, rồi ‘Nhà cầm quyền đang dung túng cho Formosa hủy hoại dân Việt’, rồi ‘Lạy Mẹ Maria, xin hãy đồng hành với chúng con trong giai đoạn hiện nay’. Một số linh mục đã đi cùng bà con giáo dân và hô vang các khẩu hiệu, đó là ‘Yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam’ và ‘Yêu cầu khởi tố Formosa cũng như đồng bọn’”.

Nhà chức trách địa phương đã triển khai lực lượng an ninh đông đảo mặc cảnh phục lẫn thường phục để giám sát cuộc biểu tình nhưng anh Sơn nói đã không có “sự va chạm hay sự đàn áp nào từ phía chính quyền đối với người dân”.

Sau khi tuần hành, người dân đã dự thánh lễ ở Nhà thờ Chính tòa. Với tư cách chủ lễ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã kêu gọi cộng đoàn Giáo phận Vinh “có trách nhiệm với quê hương đất nước và với các thế hệ tương lai, nhất quyết bảo vệ môi trường”.

Kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam để phản đối tập đoàn này cũng như yêu cầu chính phủ minh bạch. Trong số đó, giáo phận Vinh được xem là nơi đi đầu trong các hoạt động đòi Formosa đóng cửa và rời khỏi Việt Nam.

Nhưng sau khi rất nhiều người, nhất là các ngư dân trực tiếp bị ảnh hưởng, đã bày tỏ quan điểm như vậy, cho đến nay nhà chức trách lẫn hãng Đài Loan vẫn chưa thể hiện bất kỳ ý kiến gì cho thấy hãng sẽ rời Việt Nam hay không.

Trong khi đó, báo chí trong nước cách đây ít hôm đưa tin Formosa đã được nhà chức trách Hà Tĩnh hoàn thuế hơn 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho hãng này sau những thiệt hại họ phải chịu từ vụ người dân bạo loạn hồi tháng 5/2014 do bức xúc về việc Trung Quốc đặt một giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Số tiền hoàn thuế tương đương với con số 500 triệu đôla mà Formosa hồi cuối tháng 6 cam kết đền bù cho chính phủ Việt Nam về thảm họa môi trường. Ở góc nhìn của một người dân, anh Chu Mạnh Sơn nhận xét:

“Nhà cầm quyền đã hoàn thuế lại cho Formosa gần tương đương 500 triệu [đôla] như vậy thì đó là một điều cực kỳ vô lý đối với người dân Việt. Tôi nhận thấy là người dân trong khu vực 4 tỉnh vừa chịu thảm họa môi trường vừa rồi thì rất chi là bức xúc”.

Kể từ khi xảy ra vụ khủng hoảng ô nhiễm ven biển miền trung, các hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản và du lịch biển đã bị ảnh hưởng nặng nề, làm nhiều người dân bị mất sinh kế. Những người chịu thiệt hại cho rằng số tiền 500 triệu đôla mà Formosa đưa ra không giúp được họ về lâu dài.

Từ tiếp xúc với những người dân này, nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn nói rõ hơn về suy nghĩ của họ:

“Họ nói rằng họ không cần cái nguồn hỗ trợ đó là đền bù, hỗ trợ của chính phủ, mà yêu cầu phải đền bù về việc làm cũng như là đền bù các cái nghề nghiệp. Khi mà đền bù với cái giá 500 triệu [đôla] như vậy thì nhiều người đặt câu hỏi đó là chỉ giống như là cho con cá mà không có cái cần thì ăn con cá hết thì nó sẽ hết, và những ngày sau sẽ không biết sống ra sao”.

Anh Sơn cho rằng các hoạt động đấu tranh đòi Formosa đền bù thỏa đáng và đóng cửa sẽ còn diễn ra trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét